PVN ghi nhận doanh thu 931.200 tỷ đồng và lãi hợp nhất trước thuế trên 82.000 tỷ đồng - cao nhất trong 61 năm phát triển ngành dầu khí.
Tại hội nghị tổng kết ngày 10/1 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cho biết, năm 2022 tập đoàn đạt tăng trưởng 3-26% tuỳ lĩnh vực so với 2021, nhiều kỷ lục mới được xác lập sau 61 năm phát triển.
Theo đó, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, tăng 26% so với 2021. Khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, trong đó khai thác trong nước đạt 8,98 triệu tấn, nước ngoài 1,86 triệu tấn.
Sản lượng khai thác khí đạt 8,08 tỷ m3, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2021. PVN cung ứng 17,64 tỷ kWh điện; xăng dầu đạt 6,96 triệu tấn, tăng hơn 9% so với 2021.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này đạt kỷ lục trong 61 năm phát triển ngành dầu khí, lần lượt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).
Lý do PVN đạt doanh thu và lãi kỷ lục năm 2022, theo ông Lê Mạnh Hùng, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính tăng 3-26%. Cùng đó, giá dầu tăng cao trong năm ngoái (bình quân giá dầu Brent là 101 USD một thùng), việc tận dụng tốt cơ hội kinh doanh và đổi mới quản trị, nỗ lực của hơn 60.000 người lao động... cũng là những lý do giúp "ông lớn" dầu khí lãi đột biến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về hoạt động dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu khai thác đầu tiên tại Việt Nam hôm 10/1. Ảnh: Petrotimes
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận đóng góp của tập đoàn này trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... trong năm 2022.
Nhận định năm 2023, thị trường năng lượng, giá dầu thô và các sản phẩm dầu khí còn nhiều biến động rất bất thường và khó dự báo, Thủ tướng đề nghị ngành dầu khí vận hành an toàn, ổn định với công suất cao, góp phần chủ lực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đầu tư của PVN, theo Thủ tướng, vẫn là điểm nghẽn, cần đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Các dự án trọng điểm về dầu khí, dự án điện cấp bách như chuỗi dự án khí - điện lô B, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất... gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tập đoàn năm nay đặt mục tiêu khởi công các dự án trọng điểm sau khi được cấp có thẩm quyền gỡ vướng mắc như chuỗi dự án khí điện Lô B, Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4; chuỗi khí điện LNG Sơn Mỹ...; nghiên cứu các dự án năng lượng mới, điện gió ngoài khơi.
Năm 2023, PVN đưa ra kế hoạch sản xuất cao hơn so với 2022, như gia tăng trữ lượng dầu khí 8-16 triệu tấn dầu quy đổi; khai thác gần 9,3 triệu tấn dầu; khí khoảng 5,94-8,11 tỷ m3; sản xuất đạm 1,6 triệu tấn, điện khoảng 24 tỷ kWh và xăng dầu (không gồm Nghi Sơn) 5,53 triệu tấn.
Với phương án giá dầu năm nay được Quốc hội thông qua là 70 USD một thùng, PVN dự kiến doanh thu năm nay (không gồm Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn) là 677.700 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất 34.000 tỷ đồng.
Sáu nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, quản trị - quản lý doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường khoa học công nghệ và đào tạo... được tập đoàn này triển khai tổng thể năm nay để hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.