Theo nhận định của Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính), ông Hà Duy Tùng, thành viên của đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tính toán sơ bộ sẽ có khoảng 60% đến 70% sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam sẽ giảm thuế suất thuế xuất khẩu xuống 0%.
Theo ông Tùng, TPP đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn, tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường. Khi TPP được ký kết chính thức, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời Việt Nam có thêm 28 tỷ USD từ thu hút đầu tư nước ngoài.
Các mặt hàng sẽ được hưởng lợi lớn như thủy sản đóng hộp đang chịu mức thuế 35% hay mặt hàng trái cây, nông sản thuế 30% -130% sẽ giảm về 0%.
Theo quan điểm của nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thị Bích, trong TPP không có sự cạnh tranh mà các nền kinh tế bổ sung cho nhau. Hơn nữa, Việt Nam chủ yếu là xuất nhập chứ không phải là xuất siêu. Nguồn thu thuế xuất nhập khẩu có giảm nhưng chỉ giảm tỷ trọng trong thu ngân sách còn trong thu tuyệt đối không giảm. Hơn nữa, điều chúng ta có thể nhìn thấy ngay là thuế xuất khẩu giảm nhưng lại được chuyển hóa sang nguồn thu ở các sắc thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xét về mặt nguyên tắc, Hiệp định TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới với mức cam kết sâu rộng 100% số dòng thuế. Tuy nhiên, các đối tác rất quan trọng với Việt Nam hiện vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Newzeald…
Chính vì vậy, xét cơ cấu nền kinh tế thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước có quan hệ thương mại gắn bó như trên theo tính chất bổ sung lẫn nhau mà không mang tính cạnh tranh.
Hơn nữa, khi Hiệp định TPP đi vào thực hiện thì cũng là giai đoạn Việt Nam mở cửa thị trường sâu hơn với các đối tác thương mại. Chính vì vậy, việc cắt giảm thuế trong Hiệp định TPP có thể chỉ phản ánh sự dịch chuyển luồng thương mại sang các đối tác mà ta chưa có ký kết hiệp định thương mại trước đây.
Đơn cử như, xét về cơ cấu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ tập trung vào các dòng thuế có mức thuế ưu đãi tối huệ quốc là 0%. Như vậy, Việt Nam chỉ còn lại khoảng 32% kim ngạch nhập khẩu sẽ ảnh hưởng khi cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%.
Giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không lớn
Theo phân tích chung, khi giảm thuế nhập khẩu trong TPP, kim ngạch nhập khẩu tăng sẽ có thể làm tăng thu từ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng về phần thuế nhập khẩu, kể cả lượng nhập khẩu không tăng thì thuế nhập khẩu giai đoạn cuối cùng sẽ giảm dần về 0% từ mức thu hiện nay khoảng 172 triệu USD trong vòng 7 - 10 năm (trung bình khoảng 17 -25 triệu USD/năm).
Trong khi đó, thuế VAT tăng khoảng 50 triệu USD/năm với giả định kim ngạch nhập khẩu tăng 20% - 30%.
Như vậy, việc giảm thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ không lớn.
Đối với thu nội địa, theo quan điểm của đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan giảm dần về 0% sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có phương án để bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn lực khác.
Điển hình như điều chỉnh các sắc thuế khác (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp) với dư địa thương mại được mở rộng hơn nữa theo thời gian. Việc giảm thuế sẽ được bù đắp bằng việc mở rộng đối tượng nộp thuế và công tác thu tốt hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách cắt giảm chi tiêu thường xuyên, trợ cấp hoặc đầu tư công để giữ ổn định ngân sách, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Theo TBTC