Khởi sắc đón năm mới

Đăng ngày: 09/01/2023 bởi: IVAM


(ĐTCK) Tuần đầu năm 2023, chỉ số VN-Index tăng 4,4%, chấm dứt chuỗi điều chỉnh kéo dài 4 tuần. Với vận động tích cực trên đường tín hiệu, quan điểm mua được mở rộng.

Bối cảnh vĩ mô: Kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất

Đúng một năm trước, nhịp bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu khi biên bản từ cuộc họp cuối năm 2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố, thể hiện sự “quay xe” của chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt. Tính đến nay, thị trường chưa hồi phục về mức cũ.

Một năm sau, biên bản kỳ họp tháng 12/2022 của Fed thể hiện định hướng chính sách tiền tệ vẫn mang tính cứng rắn. Không có thành viên Fed nào ủng hộ quan điểm giảm lãi suất điều hành ngay từ năm 2023. Một số thành viên nhấn mạnh rằng, giảm tốc độ tăng lãi suất không phải là dấu hiệu cho thấy mặt bằng giá đã chạm mức ổn định, hay lạm phát có tín hiệu được kiểm soát.

Vậy nhưng, trên thị trường, các hợp đồng tương lai lãi suất điều hành đang đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm 0,4% lãi suất trong năm 2023. Sự tự tin có lẽ bắt nguồn từ các dữ liệu liên quan đến lạm phát cho thấy những tín hiệu khả quan hơn.

Thị trường chứng khoán tuần đầu tiên của năm 2023 đã trôi qua với nhiều biến động. Năm mới, nhưng thử thách cũ, liên quan đến Fed, lạm phát, căng thẳng địa chính trị…

Nhận định thị trường: Khởi sắc đón năm mới

Tuần đầu năm 2023, thị trường chứng khoán mở ra tín hiệu lạc quan khi xuất hiện nỗ lực phục hồi, kết thúc chuỗi điều chỉnh kéo dài 4 tuần. Chỉ số VN-Index tăng 4,4%, lên 1.051,4 điểm và thanh khoản được cải thiện. Theo phân tích kỹ thuật, mẫu nến bao trùm tăng hình thành sau mẫu nến “rút chân” tuần trước đó, tiếp nối động lượng tích cực cho vận động của chỉ số trong tuần giao dịch mới.

Khởi sắc đón năm mới ảnh 1

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Ở đồ thị ngày, phiên giao dịch cuối tuần qua xuất hiện tín hiệu bán đảo chiều cùng thanh khoản cao, song điểm số vẫn neo trên nền giá quanh 1.050 điểm. DSC nhận định, áp lực rung lắc không đáng kể, xu hướng hồi phục ngắn hạn được giữ vững. Nhóm ngân hàng đang để thể hiện vai trò dẫn dắt chỉ số chung.

Hiện tại, VN-Index tiệm cận ngưỡng cản xu hướng dài hạn từ vùng đỉnh tháng 4/2022. Tại điểm giao xu hướng quan trọng dự báo sẽ ghi nhận khối lượng giao dịch gia tăng, khi cung - cầu gặp nhau. Nếu động lượng xu hướng tăng không rõ ràng, thanh khoản yếu, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu, nhằm tránh rủi ro “bẫy tăng giá”.

Mặc dù vậy, với vận động tích cực trên đường tín hiệu, quan điểm mua được mở rộng. Vị thế bùng nổ theo đà (ngày 3/1/2023) đang quyết định xu hướng lạc quan hiện tại. Chiến lược giao dịch thích hợp là mua thăm dò quanh vùng 1.030 - 1.050 điểm, quản trị rủi ro dựa trên vị thế “breakout” (vị thế trong giai đoạn đầu của xu hướng) tại 1.010 điểm.

Nhóm ngành đáng chú ý: Đầu tư công

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã tiếp cận và thực hiện đầy đủ 54/54 đề án, 565/565 nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2022, nhưng tiến độ dự án có phần chậm trễ. Ước tính, thanh toán vốn đầu tư công là 435.690 tỷ đồng, đạt 75,1% kế hoạch và thấp hơn so với mức thực hiện năm 2021 là 77,3%. Kết quả này gây thất vọng nếu so sánh với tổng vốn FDI giải ngân đạt kỷ lục 22 tỷ USD.

Vấn đề thủ tục, pháp lý dự án, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là nguyên nhân chính gây chậm trễ trong hoạt động đầu tư công. Song chúng tôi nhận thấy điểm sáng sau cuộc họp ngày 4/1/2023, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cắt giảm gần 5.000 dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ.

Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư công năm 2023 được thông qua lên tới 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Kỳ vọng, năm nay sẽ là “điểm rơi” lý tưởng cho việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, dựa trên 2 yếu tố chính. Một là, trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt, chính sách tài khóa kích hoạt giúp dòng chảy của tiền vào nền kinh tế được đảm bảo, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Hai là, mặt bằng giá nguyên vật liệu đã giảm về nền tương đối thấp khi tổng cầu suy giảm.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến chỉ số đầu tư công (chỉ số ngành xây dựng - hạ tầng) neo giữ và tạo nền giá trên đường trung bình động MA200 (40,5), được hỗ trợ bởi tiến độ giải ngân được đẩy mạnh trong giai đoạn cuối năm 2022. Khối lượng giao dịch không được kích hoạt dẫn đến tín hiệu “bẫy tăng giá” khi tiệm cận ngưỡng cản xu hướng dài hạn từ đỉnh tháng 4/2022 là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh không quá nặng nề, mở ra cơ hội giải ngân an toàn tại nền giá 40,5. Một số cổ phiếu xây dựng - hạ tầng đáng chú ý là VCG, FCN, CTR.